Những biện pháp phòng tránh vi khuẩn từ nhà bếp

Nhà bếp là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, vi nấm, nhiều hơn cả nhà vệ sinh. Nguyên nhân là do nhà bếp là nơi mầm bệnh được mang đến thông qua thức ăn mua về, các chủng vi khuẩn đều có thể tăng sinh ở nhiệt độ thường và gây nhiễm khuẩn ra xung quanh rất nhanh nếu người nấu ăn không có ý thức vệ sinh.

Các loại vi nấm có sẵn trong thức ăn bị dập, hư hoặc trong các thùng rác, nơi chứa các thức ăn thừa đang phân hủy, phổ biến nhất là vi nấm aspergillus sp, samonella sp từ thịt gà, thịt vịt, bacillus cereus và e-coli… đều gây triệu chứng ngộ độc thức ăn từ nhẹ đến rất nặng, có thể nguy hiểm tính mạng.

Những biện pháp phòng tránh:

  • Nhà bếp phải bố trí ở nơi khô, thoáng, có gió ra vào dễ dàng để không bị ẩm mốc làm vi khuẩn, vi nấm dễ sinh sôi phát triển.
  • Tất cả bề mặt của nhà bếp phải được lau rửa bằng nước có pha thuốc sát khuẩn.
  • Chạn để chén bát phải được vệ sinh hàng ngày tránh ẩm mốc.
  • Ống để đũa phải được kiểm tra và rửa thường xuyên, đây là nơi hay bị nấm mốc khó nhìn thấy.
  • Bàn để chế biến thức ăn phải được vệ sinh bằng nước xà bông khử khuẩn trước và sau khi làm thức ăn.
  • Khi mua thức ăn tươi sống về, phải rửa sạch rồi mới chế biến, các loại thức ăn phải để vào bọc riêng biệt trước khi cho vào tủ lạnh.
  • Khi chế biến thức ăn xong, phải lau sạch bàn chế biến bằng nước xà bông sát khuẩn trước khi chế biến món khác, tránh lây nhiễm thức ăn từ loại này qua loại khác.
  • Thớt phải được kiểm tra kỹ hàng ngày, khi nào thấy bề mặt thớt trầy xước quá nhiều mà không lau chùi sạch được thì nên thay cái mới, vì thức ăn bám vào các khe trầy xước sẽ là môi trường tốt để tăng sinh vi khuẩn, từ đó sẽ gây nhiễm cho các món ăn khác nếu dùng chung thớt.
  • Tạp dề nấu ăn cũng là nguồn mang vi khuẩn, nên giặt tạp dề mỗi ngày.
  • Các tay nắm cửa, quai ấm nước, cán dao, tay nắm tủ lạnh phải được lau chùi thường xuyên. Khi đang chế biến thức ăn không nên dùng tay dính thức ăn để mở cửa tủ lạnh mà cần rửa tay trước khi mở, vì như vậy sẽ phát tán vi khuẩn, sau đó người khác mở cửa sẽ bị nhiễm khuẩn.
  • Miếng bọt bể rửa chén, khăn lau chén và chén bát tốt nhất phải được rửa dưới vòi nước nóng, bằng xà bông khử khuẩn. Khi rửa xong chén bát, để úp nơi thoáng mát cho khô tự nhiên tốt hơn là dùng khăn lau vì khi lau sẽ làm phát tán vi khuẩn từ chén này sang chén khác.
  • Thùng rác phải có nắp và rửa sạch mỗi ngày sau khi đổ rác, không được để rác qua đêm sẽ làm tăng sinh vi khuẩn, nấm mố.
5/5 - (3 bình chọn)